Theo thống kê của Cơ quan an toàn giao thông Mỹ, có đến 80% người lái xe đang ngồi sai tư thế, dẫn đến mắc phải nhiều bệnh cơ xương khớp. Đặc biệt với những tài xế đường dài rất dễ bị mắc chứng cong vẹo cột sống, luôn cảm thấy mệt mỏi khó chịu. Vậy, để hạn chế vấn đề trên ta nên điều chỉnh tư thế ngồi lái như thế nào cho đúng chuẩn?
Việc điều chỉnh tư thế ngồi lái đúng cách không những giúp cơ thể tránh mệt mỏi, tránh mắc phải các bệnh lý về xương khớp mà còn tăng khả năng phản ứng tốt hơn khi lái xe, đảm bảo an toàn và giảm thiểu tai nạn giao thông nếu có va chạm xảy ra.
I. Sơ bộ về cách điều chỉnh tư thế khi mới bước vào xe (đối với người lái):
Việc đầu tiên cần làm không phải là điều chỉnh ghế lái mà là điều chỉnh cơ thể sao cho đúng cách: Tư thế ngồi phải thẳng, lưng phải áp sát vào ghế tựa, đặc biệt không nên để khoảng trống xuất hiện ở giữa hông và ghế.
Thứ hai, sau khi có được tư thế ngồi phù hợp với cơ thể, nên điều chỉnh tay và chân để lái xe. Nên chỉ có chân và tay là các bộ phận có thể di chuyển được, những bộ phận khác nên được giữ cố định.
Cuối cùng, sau phần điều chỉnh cơ thể cho phù hợp, ta mới bắt đầu điều chỉnh ghế lái.
II. 7 lưu ý để điều chỉnh tư thế ngồi lái đúng chuẩn, tối ưu cho từng dáng người:
1. Khoảng cách từ ghế lái đến bàn đạp phanh:
Để đảm bảo việc điều chỉnh khoảng cách ghế ngồi đúng nhất, bạn nên khởi động xe rồi đạp hết chân phanh vài lần. Điều này sẽ giúp làm quen với hành trình chân phanh, qua đó điều chỉnh khoảng cách phù hợp nhất.
Tiếp đó, hãy chỉnh khoảng cách ghế sao cho khi đạp hết hành trình chân phanh, đầu gối vẫn còn một khoảng gập nhẹ (lý tưởng nhất là 120 độ).
- Nếu chân duỗi thẳng khi đạp hết phanh (hoặc gót chân nhấc lên khi đạp hết hành trình phanh) tức là ghế lái đã chỉnh quá xa, sẽ làm giảm tác dụng của lực đòn bẩy và mất cảm giác với hành trình chân phanh, chân ga.
- Ngược lại, nếu chỉnh ghế lái quá gần, đầu gối người lái sẽ dễ chạm vào phần mép dưới vô lăng, gây khó chịu và cản trở các thao tác xử lý.
Quy tắc 2 ngón tay:
- Đảm bảo có khoảng cách giữa mặt trong đầu gối và đệm ngồi của xe để quá trình tuần hoàn máu của cơ thể không bị cản trở.
- Cách đơn giản nhất để kiểm tra là cho 2 ngón tay vào khe hở giữa rìa ghế và mặt trong đầu gối.
- Nếu không thể cho cả 2 ngón tay vào khe hở, bạn cần điều chỉnh ghế ra xa hơn.
2. Độ cao của ghế lái
Nâng cao ghế lái giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh và đầy đủ về điều kiện giao thông phía trước cũng như hai bên, đảm bảo khả năng quan sát. Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý chỉnh độ cao ghế sao cho phần hông ngang hoặc cao hơn so với đầu gối để đảm bảo độ thoải mái và tránh những tác động lâu dài lên cơ thể.
- Chiều cao sau khi điều chỉnh cần đảm bảo cho khuỷu tay vừa chạm vào bệ cửa, phần đầu gối không chạm vào mép dưới vô lăng khi bạn co chân sát vào ghế.
Nếu chiều cao sau khi chỉnh vẫn còn quá thấp hoặc xe của bạn không hỗ trợ chức năng nâng hạ ghế lái, hãy cân nhắc trang bị thêm các loại đệm ngồi gắn ngoài.
- Các loại đệm cao cấp không chỉ tăng độ êm ái mà còn có khả năng giảm rung động và phân tán lực để giảm tác động lên cơ thể, qua đó bảo vệ sức khỏe và tăng độ thoải mái khi chạy đường dài.
3. Độ nghiêng của tựa lưng
Phần giữa lưng phải tiếp xúc với tựa lưng của ghế, đặt tay lên vị trí cao nhất của vô lăng, và điều chỉnh góc của tựa lưng sao cho khuỷu tay vẫn hơi gập xuống, cánh tay song song với sàn xe thì góc ngã lưng là phù hợp nhất.
- Nếu thấy vai của bạn nhấc lên khi xoay vô lăng nghĩa là tựa lưng bị nghiêng hơi nhiều, bạn cần điều chỉnh dựng thẳng tựa lưng hơn.
Theo PhysioMed, góc ngã tựa lưng lý tưởng nhất là 100 – 110 độ. Ở góc ngã này thì các đĩa đệm ở lưng chịu ít áp lực nhất. Khi tựa lưng được điều chỉnh thích hợp, người lái sẽ dễ dàng chạm tới vô lăng bằng cả 2 tay và khuỷu tay vẫn được gập nhẹ thoải mái.
4. Độ cao của tựa đầu
Đây là chi tiết mà nhiều lái xe thường bỏ qua khi điều chỉnh ghế lái vì cho rằng không mấy hiệu quả. Tuy nhiên, tựa đầu đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế chấn thương cổ khi xảy ra va chạm từ phía sau.
- Để tựa đầu phát huy hiệu quả tối đa, mép trên của tựa đầu nên được nâng cao lên ngang với mép trên của đầu người lái, khoảng cách từ tựa đầu tới phần gáy khoảng 2-3 cm.
Điều này sẽ giúp người lái không bị mỏi cổ, đồng thời phần nào tránh được chấn thương khi gặp tai nạn.
5. Điều chỉnh bơm tựa lưng (Lumbar support)
Bơm tựa lưng là thành phần có khả năng điều chỉnh nhô ra, thụt vào bên trong tựa lưng ghế.
- Phần bơm lưng này cần được điều chỉnh vào đoạn lõm tự nhiên phía lưng dưới của người ngồi, từ đó giúp tăng tối đa độ thoải mái khi lái xe cũng như bảo vệ sức khỏe cột sống cho người lái về lâu dài.
Trước đây, điều chỉnh này thường chỉ dành riêng cho chủ nhân của những mẫu xe sang. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, với đặc tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt của ngành công nghiệp ô tô, khách hàng có thể dễ dàng sở hữu một mẫu xe chỉ tầm 600 triệu với ghế lái chỉnh điện tích hợp khả năng bơm hơi tựa lưng.
Có hai bước cơ bản để điều chỉnh bơm hơi tựa lưng.
- Bước đầu tiên là điều chỉnh phần bơm lưng lên/xuống để khớp với đoạn lõm ở lưng người lái.
- Sau đó, điều chỉnh phần nhô ra/thụt vào của bơm tựa lưng vừa đủ để lấp kín phần lõm này.
Nếu xe của bạn không hỗ trợ bơm tựa lưng, hãy cân nhắc mua thêm sản phẩm để hỗ trợ cho lưng khi lái xe, đặc biệt là khi đi đường dài như chiếc ghế chỉnh dáng ngồi đúng Roichen.
Ghế được thiết kế riêng biệt cho nam và nữ để nâng đỡ phần eo, hông và xương chậu nên giúp bạn duy trì tư thế ngồi đúng trong thời gian dài, tránh tình trạng nhức mỏi và đau lưng thường gặp.
>> Xem chi tiết sản phẩm và ưu đãi khi mua combo ghế nam và nữ tại đây
6. Điều chỉnh vô lăng
Bên cạnh vị trí ghế lái thì vị trí của vô lăng cũng ảnh hưởng lớn để tư thế lái.
- Nút điều chỉnh thường được bố trí ngay phía dưới vô lăng.
- Người lái chỉ cần ấn nút điều hướng (với các xe trang bị vô lăng chỉnh điện) hoặc kéo lẫy (vô lăng chỉnh cơ) để điều chỉnh khoảng cách, độ cao, thấp của vô lăng (một số xe không cho phép điều chỉnh khoảng cách từ vô lăng đến người lái).
Hãy tưởng tượng vô lăng là một chiếc đồng hồ.
- Để tạo tư thế lái thoải mái nhất, người lái nên cầm vô lăng ở vị trí 3 giờ và 9 giờ.
- Vị trí này sẽ giúp phần cẳng tay ít bị cong hơn, vai và lưng cũng đỡ mỏi và thoải mái hơn.
Bên cạnh đó, người lái cũng nên điều chỉnh sao cho khoảng cách từ vô lăng đến phần vai ngực vào khoảng 25 – 30 cm, đồng thời khuỷu tay tạo góc nghiêng nhẹ (lý tưởng nhất là 120 độ). Với khoảng cách này, trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí sẽ hoạt động hiệu quả và giảm thiểu chấn thương cho người lái.
Ngoài ra, bạn cũng cần dựa vào tầm mắt sau khi đã chỉnh độ cao ghế lái để điều chỉnh độ cao/thấp của vô lăng, qua đó đảm bảo tầm quan sát đến bảng đồng hồ tốc độ của xe.
7. Đeo dây an toàn đúng cách
Sau khi đã điều chỉnh tư thế lái theo đúng dáng người của mình, bạn cũng nên lưu ý một vài vấn đề khi đeo dây an toàn.
Đầu tiên, khi với lấy dây an toàn, không nên để tay ở gần dây vì:
- Tạo ra nhiều áp lực và đặt vai vào tư thế “closed pack position”, về lâu về dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
- Do vậy, bạn chỉ nên sử dụng tay ở xa, để với lấy dây an toàn và xoay cả cơ thể theo chứ không xoay mỗi vai.
Tiếp đến, dây đai an toàn phải thắt qua vai và dưới bụng để khi có va chạm, phần dây ngang sẽ giữ chặt lấy khung xương chậu và đảm bảo an toàn cho người đeo.
- Không được để phần ngang của dây an toàn trên bụng vì khi có va chạm, dây sẽ không bám được vào phần khung xương vững chắc và gây áp lực lớn lên các cơ quan nội tạng bên trong.
Ở nước ta, rất nhiều trường hợp lái xe hoặc hành khách cài sẵn dây an toàn vào ghế, khi đeo chỉ vòng phần dây chéo qua vai.
- Cách làm này chỉ có tác dụng đối phó và không có khả năng bảo vệ tối ưu khi xảy ra va chạm, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng.
Và cuối cùng, theo Nghị định 100 từ 30/12/2019, hành khách ngồi ở tất cả các vị trí trên xe đều phải thắt dây an toàn.
Nguồn bài viết: News.oto-hui.com
Để lại bình luận
Trang web này được bảo vệ bằng hCaptcha. Ngoài ra, cũng áp dụng Chính sách quyền riêng tư và Điều khoản dịch vụ của hCaptcha.